Chào mừng bạn đã đến với blog của lớp Cao Học Tâm Lý Học k20

Chào mừng bạn đã đến với blog này.

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

Bàn về tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ

 

Wednesday, October 10, 2007

Bàn về tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/10/bn-v-tiu-chun-o-to-tin-s.html

 

Báo mạng Diễn Đàn (http://www.diendan.org/viet-nam/toan-bo-mot-bai-phong-van/) mới đây đăng nguyên văn bài trả lời phỏng vấn của giáo sư Bùi Trọng Liễu về các vấn đề giáo dục và nghiên cứu khoa học. Bài phỏng vấn tương đối dài, và nhiều điều giáo sư cũng đã phát biểu vài lần trước đây (như vấn nạn tiến sĩ giấy, viện sĩ dỏm, tổ chức đại học, cách đề bạt chức danh giáo sư, v.v…) và ở trong nước người ta cũng nói nhiều trong thời gian gần đây. Có lẽ chính vì thế mà báo Tia Sáng cắt bỏ một số đoạn và làm cho giáo sư phật lòng. Thế là tờ báo mạng đăng nguyên bài. Kể ra vậy cũng hay, báo mạng có lợi thế là có thể đăng bất cứ bài nào, bất kể dài cỡ nào, và như thế cho người đọc một nội dung đầy đủ hơn.

Đọc qua bài phỏng vấn giáo sư Bùi Trọng Liễu tôi thấy rất đồng tình với giáo sư về nhiều vấn đề (nhất là đề nghị xây dựng đại học mới dựa vào Viện khoa học và công nghệ hiện nay), nhưng tôi cũng thấy có vài ý kiến ông phát biểu cần bàn lại, vì không đúng với thực tế hay có thể sai. Ở đây, tôi chỉ xoay quanh ba vấn đề chính: đó là ý nghĩa của “postdoc”, vấn đề đánh giá tập san nghiên cứu khoa học, và thời gian công bố ấn phẩm khoa học.

"Postdoc" là gì?
Xin nói ngay rằng, tôi từng là một postdoc trong đầu thập niên 1990s, nên tôi có kinh nghiệm thực tế, và nay nhìn lại quãng đời mình cũng có thể biết đôi ba điều về ý nghĩa của postdoc. QUay lại ý kiến của bác BTL: khi bàn đến những hiểu sai mà giáo sư nói là ở trong nước người ta dịch postdoc thành “siêu tiến sĩ”, bác Liễu cho rằng postdoc là “chỉ là vị trí công việc tạm thời (học bổng, hợp đồng lâm thời) cho những tiến sĩ chưa tìm được việc làm trong chính ngạch, vv.” Có 2 vấn đề: thứ nhất, theo dõi báo chí trong nước hàng ngày trong suốt 15 năm qua tôi chưa bao giờ thấy ai sử dùng cụm từ “siêu tiến sĩ” cả; thứ hai, trong thực tế, postdoc không phải là những người chưa tìm được việc “chính ngạch”, mà là những người còn trong giai đoạn thực tập nghiên cứu, và những người này sử dụng thời gian làm postdoc để quyết định theo đuổi sự nghiệp khoa bảng, hay cơ hội tự khẳng định hướng nghiên cứu riêng của mình, và phấn đấu để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. Đó chính là mục tiêu của chương trình postdoc, và cũng chính vì thế mà ở Mĩ người gọi là “postdoc fellowship”.

Trong các bộ môn khoa học thực nghiệm, có không ít người phải tiêu ra cả 5 năm trời làm nghiên cứu postdoc (hậu tiến sĩ) để có thể tự khẳng định mình và chuẩn bị cho một sự nghiệp nghiên cứu khoa học độc lập. Xin làm postdoc cũng rất khó khăn, chứ không đơn giản xong tiến sĩ là có ngay một vị trí postdoc. Ở nhiều trường lớn bên Mĩ, có hàng trăm (có khi cả ngàn) tiến sĩ xin chỉ một postdoc!

Chỉ có khoảng phân nửa tiến sĩ chọn con đường tiến sĩ à hậu tiến sĩ à giáo sư, và trong số này chỉ có một phần ba là tiến tới thang bậc giáo sư. Phân nửa thì quyết định tham gia nghiên cứu trong các công ti kĩ nghệ hay chính phủ mà không qua huấn luyện postdoc. Một số ngành có nhu cầu cao, tiến sĩ không cần phải qua giai đoạn postdoc để có thể trở thành giáo sư.

Bàn về cách thẩm định năng suất một nhà khoa học, bác BTL phát biểu rằng cách đánh giá công trình khoa học hay chất lượng tạp san khoa học theo các phương pháp định lượng chỉ là tương đối và chỉ áp dụng cho “tổng thể của một nước”, chứ không phải cho một nhà khoa học riêng lẻ [1]. Ở một đoạn khác, bác viết: “Mặt khác cũng không nên ám ảnh bởi bảng xếp hạng cao thấp của các tập san quốc tế, nó cũng tương đối như bảng xếp hạng các trường đại học […] ”. Xin phép không đồng ý với nhận định trên và tôi sẽ giải thích tại sao.


Cách xếp hạng các tập san khoa học quốc tế hiện nay chủ yếu dựa vào chỉ số ảnh hưởng (impact factor) mà tôi đã bàn cụ thể trước đây trên Tia Sáng và Tạp chí Hoạt động Khoa học. Đúng là cách xếp hạng này chỉ mang tính tương đối, và ngay cả phương pháp xếp hạng cũng không hẳn hoàn chỉnh, còn có nhiều vấn đề, nhưng trong thực tế không có cách nào tốt hơn là đánh giá chất lượng một tập san qua chỉ số ảnh hưởng, vì chỉ số này nó nói lên được uy tín và chất lượng của một tập san. Đã có hàng trăm phê phán về chỉ số này, nhưng người ta vẫn chưa tìm ra một chỉ số nào tốt hơn. Hơn nữa, đã có hàng chục nghiên cứu cho thấy chỉ số ảnh hưởng quả thật phản ảnh chất lượng của tập san.

Khiếm khuyết của cách xếp hạng là một vấn đề, nhưng không thể dựa vào khiếm khuyết này mà không xếp hạng gì cả. Chẳng lẽ vì tính tương đối mà xem các tập san có giá trị như nhau? Chẳng lẽ vì tính tương đối mà xem tập san Bulletin of the American Mathematical Society, Annals of Mathematics hay Acta Mathematica tương đương với các tập san như Acta Mathematica Scientia, Russian Academy of Scines Sbornik Mathematics hay Journal of Global Optimization? Tương tự, cũng không thể so sánh một tập san như Medical Journal of Australia với Journal of the American Medical Association (JAMA) được, vì uy tín và tầm ảnh hưởng của hai tập san này rất khác nhau. Do đó, chỉ số ảnh hưởng của tập san rất cần thiết để các nhà quản lí khoa học đánh giá năng suất khoa học của cá nhân nhà khoa học và đại học.

Tôi rất đồng ý với bác BTL về nhận định “Ai đã thực sự làm khoa học, và đã từng tham gia các hội đồng khoa học thẩm định các công trình nghiên cứu, hẳn biết rằng có nhà khoa học chỉ công bố vài công trình mà đã nổi trội, trong khi có người rặn ra cả trăm ấn phẩm trên tập san mà chẳng mấy ai chú ý.” Nhưng thế nào là “chẳng mấy ai chú ý”? Nếu tập san chẳng có ai chú ý, tức là tập san đó có ít người đọc; và nếu có ít người đọc thì có ít trích dẫn (citation); và do đó tập san đó phải có chỉ số ảnh hưởng thấp. Như vậy, hiểu theo câu này của giáo sư thì rõ ràng chỉ số ảnh hưởng đóng phần quan trọng để đánh giá khả năng và chất lượng nghiên cứu của một nhà khoa học đó chứ!

Thật ra, chỉ số ảnh hưởng chủ yếu phản ảnh chất lượng của tập san, chứ chưa chắc phản ảnh chất lượng của một bài báo khoa học. Chỉ số khách quan hơn phản ảnh chất lượng của một công trình khoa học là số lần các nhà khoa học khác trích dẫn công trình mà nhà khoa học đã công bố. Số lần trích dẫn mới chính là thước đo chất lượng của bài báo.

Khác với bác BTL, tôi biết rằng cách đánh giá chất lượng tập san qua chỉ số ảnh hưởng rất phổ biến trong nghiên cứu khoa học. Ban biên tập các tập san khoa học lúc nào cũng để ý đến chỉ số này hàng năm để biết tập san mình đang lên hay xuống. Sự sống còn của tập san một phần tùy thuộc vào chỉ số ảnh hưởng. Các cơ quan tài trợ nghiên cứu dựa vào chỉ số ảnh hưởng để phân chia tài trợ cho các nhóm nghiên cứu. Hàng năm, tôi phải nộp nhiều đơn xin tài trợ, và các hội đồng bình duyệt đều để ý đến (có nơi còn tính toán thống kê) các chỉ số ảnh hưởng và số lần trích dẫn các bài báo của tôi để so sánh và quyết định có nên tài trợ nghiên cứu hay không. Thật ra, các chỉ tiêu này được công bố rõ ràng, chứ chẳng dấu diếm gì cả, và đó là “luật chơi” mà bất cứ nhà nghiên cứu khoa học nào cũng phải chấp nhận (nếu muốn “tồn tại” trong hệ thống đó).

Bác BTL nói “đó là nói cho tổng thể của một nước, chứ không phải là nói cho một nhà khoa học riêng lẻ.” thì tôi e rằng ... sai. Người ta đánh giá tình trạng khoa học của một nước qua nhiều chỉ số; trong các chỉ số đó, tập san khoa học và số bài báo khoa học chỉ là một yếu tố nhỏ. Nhưng đối với cá nhân nhà khoa học, chỉ số ảnh hưởng của tập san mà nhà khoa học công bố rất quan trọng. Nếu hai nhà khoa học cùng làm trong một lĩnh vực đệ đơn xin chức danh giáo sư, người ta chắc chắn sẽ chọn người công bố những bài báo trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng cao. Hầu như bất cứ hội đồng xem xét đề bạt chức danh giáo sư nào ở Mĩ, Canada, Anh, hay các nước Tây phương và ngay cả tại các nước Á châu cũng đều xem xét đến tập san và chỉ số trích dẫn (citation index) mà nhà khoa học từng công bố để đánh giá năng suất và khả năng khoa học của cá nhân nhà khoa học.

Ở một đoạn khác, bác BTL viết: “Nếu nghiên cứu có kết quả, thì tại sao không "thử" gửi đăng trên tập san quốc tế ? Đó cũng là một cách được thẩm định độc lập. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý là việc gửi bài đăng trên một tập san quốc tế cũng có cái phức tạp của nó : có những « thẩm định viên » tập san quốc tế thẩm định sai, hiểu nhầm, làm cho tác giả bài báo phải cãi, nêu ra sự sai, và yêu cầu thẩm định lại, hoặc gửi cho một tập san quốc tế khác. Do đó, thời gian đăng bài trong một tập san quốc tế có giá trị thường đòi hỏi có thời gian. (Ai khẳng định rằng thời gian đăng bài là ngắn, thì hoặc là họ có tay trong (!) hoặc là họ không có kinh nghiệm).”

Tôi phải hỏi tại sao “thử” gửi đăng? Không. Không có chuyện thử ở đây, mà là chuyện nghĩa vụ. Nhà khoa học nhận tiền của nhà nước, của dân, họ có nghĩa vụ phải báo cáo cho cộng đồng biết họ đã làm gì với tài trợ đó, họ đã giúp gì cho xã hội với tài trợ đó. Trong ngành y học, có trường hợp tác giả không công bố kết quả nghiên cứu được xem là vi phạm y đức.

Vấn đề một số chuyên gia bình duyệt hiểu sai, hay ganh tị, hay ém nhẹm đồng nghiệp trong thực tế vẫn xảy ra, nhưng tôi cho rằng vấn đề này tương đối hiếm. Nên nhớ rằng một bài báo thường được 3 chuyên gia thẩm định, dù cho một người cố ý làm sai cũng không thay đổi được hai người kia. Hơn nữa, ban biên tập biết được một bình duyệt viên có ý ém nhẹm hay không, chứ không phải để cho các chuyên gia bình duyệt muốn làm gì thì làm, muốn viết gì thì viết. Đôi khi ban biên tập phải biên tập các phê bình của chuyên gia bình duyệt, và thậm chí “tống cổ” chuyên gia bình duyệt khỏi ban biên tập vì có xu hướng tị hiềm và thiếu khách quan. Tôi từng biết nhiều trường hợp như thế, và có thể khẳng định rằng những tiêu cực trong hệ thống bình duyệt là hiện hữu nhưng hiếm, và không ảnh hưởng gì đến thời gian công bố cả.

Về thời gian đăng báo thì bác BTL lặp lại một phát biểu trước đây trên
Vietnamnet: “Một điều kỳ lạ là, đâu đó, có lúc nêu ra tiêu chí kiểu: muốn được bảo vệ luận án tiến sĩ, phải có vài bài báo đã đăng ở "tập san có giá trị" ở nước ngoài, thậm chí còn đòi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có 2 "công trình khoa học" đã công bố. Hình như tác giả của những chủ trương này không biết rằng thời gian chờ đợi để một bài báo được thẩm định xong và được đăng lên một tập san nghiêm chỉnh có khi mất hàng hai, ba năm hay hơn nữa.”

Tôi phải nói ngay rằng chính tôi là người từng đề nghị rằng nghiên cứu sinh tiến sĩ nên công bố ít nhất là một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi trình luận án. Thật ra, đó chẳng phải là ý kiến gì mới của tôi, mà là qui định của rất nhiều trường đại học trên thế giới. Khi tôi đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi đòi hỏi họ -- ngoài các tiêu chuẩn khác -- phải có ít nhất là một bài báo khoa học trước khi soạn luận án. Đó không phải là một qui định "kì lạ" mà rất phổ biến.

Về tiêu chuẩn trước khi bảo vệ một luận án tiến sĩ, tôi nghĩ có nhiều qui định khác nhau giữa các bộ môn khoa học. Nhưng nói chung, trong các ngành khoa học thực nghiệm (và ngay cả một số ngành lí thuyết) có qui định nghiên cứu sinh phải có ít nhất là một, phần lớn là hai, bài báo khoa học mà nghiên cứu sinh đứng tên tác giả đầu trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Xin lấy một qui định cụ thể từ Đại học Case Western Reserve viết rõ như sau: một tiêu chuẩn tối thiểu là nghiên cứu sinh phải có ít nhất một bài báo khoa học đã được chấp nhận cho công bố trên một tập san khoa học trước khi được cấp bằng tiến sĩ. Thật ra, chẳng riêng gì các đại học ở Mĩ có qui định này, các đại học Á châu (Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v…) cũng có qui định tương tự [2].

Có lẽ trong ngành toán học, thời gian từ lúc gửi bài đến lúc công bố là dài nhất so với các ngành khác. Trong ngành y sinh học và khoa học thực nghiệm nói chung, thời gian từ lúc nộp bài đến công bố chỉ trong vòng 9 đến 12 tháng. Trong thời gian gần đây, các tập san trực tuyến còn nhanh hơn nữa. Trong ngành toán, một thống kê sau đây (“Backlog of Mathematics Research Journals”, đăng tại đây http://ratsaby.info/Resources/backlog.pdf
) cho thấy thời gian từ lúc nộp bài đến khi công bố dao động trong khoảng 9 tháng đến 24 tháng (vài tập san tiêu biểu):

Acta Math: 9 tháng
Amer J Math: 16-18 tháng
Ann Math: 14 tháng
Int J Math Math Sci: 9 tháng
J Am Statist Assoc: 21 tháng
J Appl Math: 9 tháng
Math Res Lett: 9 tháng
SIAM J Cont Optim: 24 (electronic 16 tháng)
SIAM J Optim: 20 (electronic 15 tháng)


Điểm qua danh sách dài đó (bạn đọc có thể tải về để xem qua, nếu cần), tôi không thấy có tập san toán nào “ngâm” bài đến 3 năm cả. Tuy nhiên tôi tin rằng trong vài trường hợp cá biệt chắc có, nhưng tính trung bình thì chưa thấy thời gian kéo dài hơn 2 năm. Còn câu “Ai khẳng định rằng thời gian đăng bài là ngắn, thì hoặc là họ có tay trong (!) hoặc là họ không có kinh nghiệm)” thì tôi không có gì để bàn thêm sau khi điểm qua các con số thống kê trên.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng khoa học, giới quản lí ở trong nước cần nhiều cố vấn từ các chuyên gia nước ngoài, nhưng cần phải phân biệt những ý kiến cá nhân với những thông tin thực tế khách quan. Những ai từng theo dõi tình hình giáo dục trong nước đều phải khâm phục sự kiên trì đóng góp ý kiến của giáo sư Bùi Trọng Liễu, những ý kiến thiết tưởng rất đáng được trân trọng và nghiên cứu để thực hiện. Những thông tin bên lề tôi trình bày trên đây hi vọng làm sáng tỏ thêm, chứ không làm giảm giá trị, những ý kiến của giáo sư Bùi Trọng Liễu.

Chú thích:

[1] Nguyên văn: “Vẫn về vấn đề người, cách đánh giá các công trình khoa học theo số liệu, chấm điểm, ngay cả khi xếp hạng theo « chuẩn » các tập san quốc tế cũng chỉ là tương đối, vv. không phải là cách tiến hành thông thường mà tôi được biết. Đã đành là cần thiết có một số tiêu chuẩn cụ thể tương đối khách quan để đánh giá, nhưng đó là nói cho tổng thể của một nước, chứ không phải là nói cho một nhà khoa học riêng lẻ.” (Phần in đậm là tôi nhấn mạnh).

[2] Chẳng hạn như Đại học Lund (Thụy Điển), Khoa kinh tế, viết rõ: "The PhD thesis is usually written as a collection of separate papers together with an introduction. These papers should either have been published in a refereed international journal, or they should have a format that makes them "publishable" (tạm dịch: luận án tiến sĩ thường được soạn thảo như là một tập hợp các bài báo riêng lẻ cùng với phần dẫn nhập. Các bài báo này hoặc đã được công bố trên một tập san quốc tế có bình duyệt, hoặc ở một dạng có thể công bố được.)

Đại học Công nghệ Queensland (QUT) viết : Yêu cầu cơ bản cho một luận án tiến sĩ là nghiên cứu sinh phải có tối thiểu 3 bài báo khoa học, trong số này, tối thiểu 1 bài d0ã được công bố hay chấp nhận cho công bố hay đang biên tập trước khi công bố.

Đại học y khoa Albert Einstein (
Albert Einstein College of Medicine) còn qui định cụ thể hơn : nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất một bài báo khoa học đứng tên tác giả đầu, hoặc nếu chưa có, thì phải có kèm theo bản thảo của bài báo trong luận án và phải ghi rõ bài báo đang ở trong tình trạng nào (đã nộp cho tập san nào, hay còn trong vòng biên tập).

Đại học Penn State, Bộ môn sinh hóa và sinh học phân tử, có qui định rằng nghiên cứu sinh cần có ít nhất là một bài báo khoa học đã được chấp nhận cho công bố trên một tập san khoa học quốc tế có bình duyệt trước khi bảo vệ luận án.
Taiwan International Graduate Program (Đài Loan), Đại học Khoa học và Công nghệ (Pakistan), Đại học Chicago (Bộ môn vật lí), Đại học Vanderbilt (Bộ môn sinh vật lí), Đại học Oklahama (Bộ môn khoa học máy tính), Đại học Washington (Bộ môn vi sinh học), v.v… (không thể kể hết ra đây) cũng có một qui định tương tự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét